“nghiện game” là một chứng bệnh tâm thần

Đăng bởi: ♂ Ꮭїệт Dương✄ 8:::::::::::::>

Ngày đăng  08:16 30/06/2018


Một tin không vui với những ai đang “nghiện” game khi mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định rằng nghiện chơi game quá mức được coi là một chứng bệnh rối loạn tâm thần mới.

Trong bản sửa đổi mới nhất của WHO về hướng dẫn phân loại bệnh tật, Tổ chức này đã xác định nghiện chơi game được xem như một chứng bệnh về sức khỏe tâm thần. Thông tin này khiến không ít bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng về con em mình.

Bác sĩ Shekhar Saxena, Giám đốc bộ phận sức khỏe tâm thần của WHO, cho biết WHO đã chấp nhận xem “Rối loạn chơi game” nên được liệt kê như một chứng bệnh về tâm thần dựa vào các bằng chứng khoa học và dựa vào nhu cầu thực tế cần phải điều trị tình trạng này ở nhiều nơi trên thế giới.

 

Những người đam mê trò chơi điện tử có thể mắc phải nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần (Ảnh minh họa)
Những người đam mê trò chơi điện tử có thể mắc phải nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần (Ảnh minh họa)

 

Theo các nhà khoa học thì các nghiên cứu cho thấy rằng cứ mê mẩn với các trò chơi trên Internet sẽ hình thành nên những dây thần kinh trong não bộ được kích hoạt tương tự như những người nghiện ma túy bị ảnh hưởng bởi một số chất gây nghiện. Các trò chơi sẽ gây nên một phản ứng thần kinh ảnh hưởng đến cảm xúc của người chơi và kết quả của trò chơi, những phần thưởng đạt được trong game sẽ tạo nên cảm giác hưng phấn như hành vi của người nghiện chất kích thích”.

Dù vậy Bác sĩ Saxena ước tính rằng chỉ 2 đến 3% số lượng các game thủ bị ảnh hưởng bới chứng “rối loạn chơi game” và thực sự có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Cũng như nhận định của bác sĩ Saxena, theo bác sĩ Joan Harvey, phát ngôn viên của Hiệp hội tâm lý Anh, thì chỉ một số ít game thủ sẽ bị ảnh hưởng bởi chứng “rối loạn chơi game” và cảnh báo rằng tuyên bố của WHO có thể gây ra những mối bận tâm không cần thiết ở các bậc phụ huynh.

“Mọi người cần phải hiểu rằng điều này không có nghĩa rằng những đứa trẻ dành ra hàng giờ trong phòng mình để chơi game đều được xem là nghiện game”, bác sĩ Harvey trấn an trước thông tin của WHO.

Một số chuyên gia về sức khỏe tâm thần khác cho rằng điều quan trọng là cần phải xác định người bị nghiện chơi game một cách nhanh chóng để có hướng điều trị, tuy nhiên điều này thường không dễ dàng vì những đối tượng nghiện chơi game thường là thanh thiếu niên, vốn là những người không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia y tế.

Theo bác sĩ Henrietta Bowden-Jones thuộc Đại học Hoàng gia về sức khỏe Tâm thần (Anh) thì chứng nghiện game sẽ được chữa trị tốt nhất bằng các liệu pháp về tâm lý, nhưng việc sử dụng thuốc cũng có thể mang lại hiệu quả.

Bác sĩ Mark Griffiths, Giám sư về hành vi gây nghiện của Đại học Nottingham Trent (Anh), người đã nghiên cứu về các khái niệm rối loạn chơi game trong 30 năm, cho biết tuyên bố mới của WHO sẽ giúp tăng cường các chiến lược điều trị cho những người nghiện chơi game.

“Trò chơi điện tử giống như một loại cờ bạc phi tài chính về mặt tâm lý”, Giáo sư Griffiths cho biết, “Con bạc sử dụng tiền như một cách để ghi điểm, trong khi game thủ sử dụng điểm số trong game”.

Tuy nhiên Giáo sư Griffiths dự đoán rằng những người chơi game có vấn đề thực sự về tâm thần cũng chỉ rất ít, chỉ khoảng 1% và những người này có thể gặp phải các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc chứng tự kỷ, trong khi đó phần lớn những người chơi game khác thường chỉ mang tính giải trí và theo trào lưu, chứ không thực sự là những người nghiện game.

Dù tỷ lệ không cao nhưng các chuyên gia về tâm lý vẫn khuyến cáo cha mẹ và bạn bè của những người đam mê trò chơi điện tử vẫn phải lưu tâm đến những người này để đề phòng những trường hợp ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần và tư vấn các chuyên gia về tâm lý nếu thấy cần thiết.

“Nếu trò chơi điện tử làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người chơi, cho dù đó là vấn đề về quan hệ xã hội, công việc... thì cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý”, Giáo sư Griffiths cho biết.

Dù vậy không phải ai cũng công nhận tuyên bố mới của WHO. Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ vẫn chưa coi “Rối loạn chơi game” là một vấn đề về sức khỏe tâm thần, mà chỉ xem đây là một điều kiện chẩn đoán lâm sàng để xem xét và đưa ra các giải pháp riêng để chữa trị.
Độ tuổi trung bình của người Việt nghiện game trẻ nhất trong khu vực
Thông tin này được Thạc sỹ Lê Thanh Hà, Giảng viên bộ môn Hóa - Sinh, Học viện Quân y 103, chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Nghiên cứu điều trị nghiện game online và trầm cảm ở thanh thiếu niên”, tổ chức chiều 7/11 tại Hà Nội.

Tọa đàm Nghiên cứu điều trị nghiện game online và trầm cảm ở thanh thiếu niên (Ảnh: T.H)

Thạc sỹ Lê Thanh Hà cho biết, độ tuổi trung bình của người Việt nghiện game là 19 tuổi – trẻ nhất so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Tại Việt Nam, trầm cảm dẫn đến tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai đối với nhóm tuổi từ 15 đến 29 tuổi (chỉ xếp sau tai nạn giao thông). “Theo nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần TW 2, tỷ lệ trầm cảm của người Việt Nam ở độ tuổi từ 15 đến dưới 24 là gần 30%. Đây là độ tuổi đẹp nhất của đời người, ở tuổi này đáng ra các em phải trau dồi học tập, cống hiến cho xã hội thì các em lại tốn thời gian vào mạng ảo, vào game online để rồi bị trầm cảm, tách mình khỏi đời sống xã hội. Điều này thực sự đáng báo động” – Ths. Hà nói.

Theo Ths. Hà, nghiện game online kéo dài sẽ khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, bị trầm cảm, thậm chí hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo. Nghiện game online hay internet gây rất nhiều tác hại. Những người sử dụng internet 5-6 giờ mỗi ngày sẽ không có thời gian để tham gia các hoạt động xã hội, học tập hoặc chơi thể thao. Điều này khiến người chơi game không thể có được sự phát triển bình thường về mặt xã hội.

“Thực tế cho thấy, nhiều người nghiện game dù đã 21 tuổi nhưng cảm xúc và trí tuệ chỉ như đứa trẻ 12 tuổi. Những người nhiều tuổi hơn thì có thể có các hành động rất liều lĩnh. Họ coi thường mạng sống của mình và những người khác, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật...” – Ths. Hà cho biết.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, BS. Nguyễn Tất Định, Học viện Quân y 103 – Thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, gần đây nhất có một nam học sinh lớp 11 ở Hà Nội được gia đình đưa đến khám trong tình trạng người gầy gò ốm yếu, tinh thần mệt mỏi, không tập trung. Bố mẹ bệnh nhân này ly dị đã lâu, em chủ yếu ở với bà ngoại vì mẹ thường xuyên phải đi công tác xa.

Được mẹ trang bị cho máy tính, cậu bé này lao vào chơi game thâu đêm suốt sáng. Cậu chơi nhiều ngày liên tục, bỏ ăn bỏ uống, bỏ bê việc học hành để chơi game. Thấy con ngày càng kiệt sức vì chơi game, mẹ cậu bé đã cắt mạng internet để cấm con chơi. Tuy nhiên, cậu bé đã phản ứng lại bằng cách gào khóc, thậm chí lao vào đánh mẹ vì bị ngăn cản. Trước tình trạng bệnh tình của con, người mẹ đã đưa con đến Học viện Quân y 10 khám và tư vấn điều trị.

BS. Nguyễn Tất Định cho biết, trường hợp bệnh nhân này dù đã 16 tuổi nhưng hành vi chỉ như đứa trẻ 5 tuổi. Em không biết giao tiếp, tương tác với người khác và không tập trung vào bất cứ điều gì xung quanh…

“Khi tiếp nhận trường hợp này, chúng tôi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm phối hợp với nhóm thuốc an thần nhẹ. Trường hợp nặng hơn thì phải dùng biện pháp sốc điện...” – BS. Định cho biết.

BS. Định chia sẻ thêm, ngày càng có nhiều thanh, thiếu niên đến bệnh viện khám và điều trị do nghiện game. Điều đáng nói, tỷ lệ này tăng đột biến vào những tháng nghỉ hè.

Tại buổi tọa đàm, TS. BS Trần Thị Mỹ Hạnh, Giảng viên Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, nghiện game online là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm người này, một số khác có thể chết vì kiệt sức do chơi game liên tục trong nhiều giờ.

Theo TS. BS Mỹ Hạnh, không giống như nghiện ma túy, người nghiện game online tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn cho cuộc sống của họ. Vì thế khi chơi game, họ thấy thích thú, dễ chịu, và nếu không chơi sẽ khiến họ bứt rứt không yên và tìm mọi cách để được chơi.

“Tuy nghiện game online và trầm cảm là 2 vấn đề bệnh lý khác nhau, nhưng đều có biểu hiện của trầm cảm và ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của thanh thiếu niên, giảm sút khả năng học tập, lao động, tạo ra mối quan hệ căng thẳng với người thân, tách mình khỏi đời sống xã hội và tăng nguy cơ tự sát” – TS. Hạnh nói.

Tại Việt Nam, để điều trị những ca bệnh này, các bác sỹ thực hiện biện pháp: Cá nhân hóa điều trị. Nghĩa là các bác sỹ sẽ điều trị cắt cơn cho người bệnh. Sau khi cắt cơn, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái cô đơn do thiếu hụt đích mới trong cuộc sống. Vì vậy, bước tiếp theo các bác sỹ sẽ tạo dựng thiên hướng mới cho trẻ như âm nhạc, nấu ăn, các môn thể thao… để thu hút trẻ, giúp trẻ cân bằng tâm lý.

Tại buổi Tọa đàm các bác sỹ cho biết, đây là vấn đề cần được quan tâm trong xã hội hiện nay. Đồng thời các bác sỹ đưa ra khuyến cáo, để trẻ không bị lệ thuộc vào game, cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con em mình nhiều hơn. Khi thấy trẻ có dấu hiệu nghiện game, các bậc phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế khám càng sớm càng tốt.

Được biết, đây là nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về tình trạng nghiện game online ở giới trẻ…

 

  Update vào lúc 07:38 07/11/2018

2566 lượt xem

77 Lời bình

Đăng lời bình

Hãy đăng nhập để đăng lời bình

Bài viết mới nhất


Develop by ITE Group