Văn học mạng: Tiểu nhân và ma quỷ lắc mình thành nhân vật chính

Đăng bởi: nguyễn tuấn anh

Ngày đăng  08:47 14/08/2023

Hình tượng nhân vật chính nhân quân tử, thiếu niên ngây ngô nhiệt huyết thường gặp trong các tiểu thuyết võ hiệp, tiên hiệp xưa dường như đã không còn nhiều thị trường như thập kỷ trước. Thay vào đó thì phong cách nhân vật với những đặc điểm như háo sắc, thị huyết, hay gian trá lại giành được sự yêu thích rộng rãi, nhận được sự đồng cảm lớn hơn từ giới trẻ. Đó là một dấu hiệu suy thoái đạo đức rộng khắp được phản ánh từ các tác phẩm giải trí được ưa chuộng, mà chủ yếu từ giới thanh thiếu niên, theo một chiều hướng xấu cần được nhấn mạnh và cảnh tỉnh đến các bậc phụ huynh.
Hình tượng ngụy quân tử ngày càng được yêu thích

Để bắt đầu nói về xu hướng này xin nhắc đến Lâm Tam trong “Cực phẩm gia đinh” của Vũ Nham. Bộ truyện được ra mắt vào năm 2008 và đã xuất bản tại Việt Nam. Nhân vật chính Lâm Tam là điển hình cho kiểu người háo sắc, trí trá và vô lại khá giống với Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung. Trong truyện, y là một chàng trai trẻ có sự nghiệp thành đạt, là giám đốc thị trường của một công ty tầm trung với vè ngoài ưa nhìn có tài ăn nói. Một sự cố bất ngờ khiến y xuyên không về thời cổ đại, rồi trở thành gia đinh cho một gia đình thương nhân giàu có nhưng lại “cô nữ quả mẫu”


Lâm Tam là người như thế nào? Chỉ trích vài câu độc thoại như sau thì quý bạn đọc có thể mường tượng được: “Hắn nguyên lại tại thế giới kia của mình làm công việc buôn bán tiêu thụ, vì hoàn thành nhiệm vụ tự nhiên chẳng phải là quân tử thánh nhân gì, hoa chiêu tiểu xảo lừa gạt cái gì mả chả dùng qua”,

“Hắn từng gặp phải những tao ngộ cay đắng cho nên lúc này đối với diễm phúc của kẻ khác tự nhiên có một loại cảm giác ghen ghét.”,

hay “Lão tử vô sỉ như thế các ngươi làm gì được ta?”

Lâm Tam chính là một kẻ tiểu nhân ngụy quân tử, lòng đầy háo sắc và đố kỵ, không coi trọng đức lại khinh thường Đạo, nhưng lại có được diễm phúc và vinh quang của bực anh hùng. Đây chính là mô tả cho hình mẫu tiêu biểu mà văn đàn mạng Trung Quốc đang đặt trọng tâm.


Bạn đọc như tìm tra trên các công cụ tìm kiếm bằng tiếng Việt có thể thấy các truyện cùng loại được đặt tên như Minh triều ngụy quân tử, Tam quốc vô lại chiến thần, Đường triều bại gia tử, Tống mạt chi loạn thần tặc tử, Ngụy quân tử không sợ chết v.v… nhiều vô số!


Háo sắc và đố kỵ không phải là yếu tố duy nhất thu hút người đọc mạng. Hận thù, tranh đấu cũng được khai thác triệt để. Lấy ví dụ một trong cái gọi là “Tứ đại danh tác” văn học mạng Trung Quốc có tựa “Phiêu Miểu Chi Lữ”. Nhân vật chính Lý Cường, theo mô tả, gã từng là một tổng giám đốc nhưng bị bạn thân và người tình lừa mất hết sự nghiệp. Hắn điên cuồng giết chết người bạn và nhân tình, để rồi đứng trên bờ vực bị lao tù, tử hình. 


Các loại bối cảnh bội phản, đâm lưng, vô luân, tráo trở được xây dựng từ đầu truyện như Già Thiên của Thần Đông, nhân vật chính từ nhỏ bị thân nhân tước đi “chí tôn cốt” (tạm hiểu là đoạn xương của bậc chí tôn), Tiêu Viêm trong Đấu Phá Thương Khung cũng bị người từ hôn làm bẽ mặt, Đường Tam trong Đấu La Đại Lục bị Võ Hồn điện làm cho “nhục thê tang mẫu”...


Tranh với người chưa đủ, để làm thỏa mãn cơn khát cầu đấu tranh trong lòng người, các tác giả Trung Quốc không ngại chỉ Thiên, mắng Phật. Từ việc khắc họa thiên đạo (ý trời) có sẵn tư tâm, cho đến biến Thánh nhân thành tên côn đồ, cầm thần linh thành đối tượng tiết dục, dương danh ma quỷ mà cầm trịch chính nghĩa,... đã không còn hạn cuối có thể nhắc đến. 


Có thể viện ra một trong những truyện đi đầu và mở đường cho dòng này như là Trương Tam Phong dị giới du. Chỉ cần điểm qua phần bối cảnh của truyện cũng đủ để người khiếp hãi và phẫn nộ: “Trương Tam Phong từ nhỏ đắc thái cực hồn thạch là một trong thập đại thần binh được Nguyên Thủy Thiên Tôn thu nhận. Tu luyện 500 năm đắc đạo thành Đại La Kim Tiên phi thăng thần giới. Tại đây kết bạn với Tôn Ngộ Không. Sau sang Phương Tây Thần Giới yêu Chiến Tranh Trí Tuệ Nữ Thần Athena. Tôn Ngộ Không cũng ‘tán’ được Hằng Nga về ẩn cư ở Hoa Quả Sơn. Vì đắc tội với Ngọc Đế và Phương Tây Thần Giới bị Ngọc Đế dùng mưu trúng phải phục kích của Phương Tây Thiên Sứ dẫn đến Athena chết, Trương Tam Phong tự bạo.”


Nói đến việc độc Thần, cũng phải nói đến việc các triết lý kinh điển của Phật giáo, Đạo giáo bị bóp méo lợi dụng. Có lẽ trường hợp nhiều nhất bị phạm đến là câu “Người không vì mình, trời tru đất diệt” trong “Phật thuyết thập thiện nghiệp đạo kinh”. Mà theo ngộ giải sơ cạn của người viết, hàm ý của cái “vì mình” đó chính là tu vì mình, chính là coi việc tu là lợi ích cho mình, người nếu như không tu tất nhiên sẽ bị trời diệt, đọa địa ngục. Khi đưa vào trong văn chương TQ thì trở thành câu nói kích động lòng người, khuyến khích tâm vị tư, cho người một lý do để biện minh cho hành vi ác. Lại hoặc như câu “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”, chính là nói rằng trời đất là công bình, đối xử vạn vật công bằng, thế nhưng lại bị diễn giải thành có tư tâm, là tự cao với đời. Đặc biệt, tư tưởng cho rằng việc tu hành là nghịch thiên hướng thượng, là “đoạt thiên địa tạo hóa” cho mình dùng càng là tà đạo! Trong Hoàng Đế Âm Phù Kinh viết: “Thánh nhân xem Trời, bắt chước Trời hành sự, nếu việc Trời việc người ăn khớp với nhau, làm gì cũng hợp đạo Trời, không làm gì sai trái với tự nhiên, thì trị nước hay tu thân đều tốt đẹp.” Câu này đã thể hiện rất rõ việc tu Đạo là thuận theo lòng Trời, thuận theo tự nhiên. Ai đã đọc qua Phong thần diễn nghĩa thì hẳn sẽ nhận ra tư tưởng thuận lòng trời xuyên suốt cả trăm chương truyện, mà ngay cả Thông Thiên giáo chủ là bậc Thánh Nhân cũng làm trái không được.


Những ví dụ kể trên vẫn chưa phải là trường hợp tồi tệ nhất. Nói đến lấy tiểu nhân làm nhân vật chính thì còn cần phải kể đến truyện “Cổ Chân Nhân” (tác giả lấy bút danh cùng tên) vốn từng làm mưa làm gió văn đàn mạng Trung Quốc, mà nhân vật chính Phương Nguyên là một kẻ thị huyết phản xã hội, một kẻ giết người cướp của chỉ vì để bản thân sống thoải mái, gần như không có ranh giới đạo đức nào. Bởi vì quá hắc ám nên nay đã bị cấm ở TQ (Note: tình huống cụ thể xin nhờ Ban biên tập check lại giùm). Thế nhưng nhân vật này lại được yêu thích rộng rãi, không chỉ tại Trung Quốc mà còn ở Việt Nam. 


Với những ai đang độ tuổi 9X, 8X thì có thể còn nhớ, vào những năm 2000, kiểu nhân vật được ưa chuộng phải là người có tấm lòng hào hiệp, có thể xả thân cứu người, cũng có thể nhẫn chịu uất ức như Tiêu Phong, Lý Tầm Hoan, Spider Man, Super Man. Cho dù có võ công cái thế, nhưng hiếm khi xuất thủ, thậm chí không bao giờ giết người như Batman. Sự thay đổi quan niệm diễn ra nhanh chóng như nước lũ tràn đê, người có thể nhìn rõ biến hóa ấy phải thất kinh biến sắc.


Có thể bạn cho rằng đây chẳng phải chỉ là truyện thôi sao? Thưa vâng, chúng là truyện, nhưng cũng là phản ánh cho cái nhìn của người đọc, tất nhiên cũng cả của người viết. Bởi lẽ, một yếu tố quan trọng thu hút độc giả của bất kể tác phẩm nào là tính nhập cảm. Những năm gần đây người xem rất chuộng xu hướng xuyên không để đến thế giới cổ đại hoặc thế giới khác. Nguyên nhân là vì người hiện đại chúng ta rất khó để hiểu được tư tưởng của người cổ đại nên không có sự đồng cảm. Những tư tưởng và cách sống như trung hiếu, lễ phép, thùy mị, chính trực,... đã không còn được người ta hiểu biết chính xác, bị đẩy sang bên lề, thậm chí bị đánh nhãn cổ hủ và khuôn sáo cũ.


Vậy thì một nền văn hóa đậm chất tranh đấu và ích kỷ như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hiện thực? 


Xu hướng méo mó trong văn học mạng Trung Quốc ngày nay còn diễn sinh ra cả chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa Trung Hoa chí thượng, chủ nghĩa toàn cầu hóa, thậm chí là các ý tưởng về diệt chủng như măng mọc sau mưa. Kiết Dữ 2 là tác giả văn học mạng nổi tiếng về chủ đề Lịch Sử - Quân Sự. Nội dung trong các tác phẩm của ông thường sẽ đi đến việc nhân vật chính dẫn dắt Trung Quốc xâm lược ngoại bang, thâu tóm thế giới, nô dịch Nhật Bản,… Trích dẫn một đoạn văn hội thoại trong tác phẩm Đường Chuyên rất được yêu thích của ông: “Đây là thế giới tất cả thuộc về kẻ mạnh, Đại Đường hiện nay như mặt trời đỏ rực, tất cả những thứ ở gần sẽ bị nướng cháy thành than, cho nên con à, rời đi mới là lựa chọn duy nhất của chúng ta.” 


Vậy đó, với một thế hệ người Trung Quốc tán đồng các chủ nghĩa trên, hậu quả mà thế giới tương lai phải gánh chịu có lẽ thật sự như câu văn này ngụ ý. 


Nhưng văn học mạng Trung Quốc thực sự phản ánh đúng tư tưởng thanh niên Trung Quốc sao? Kỳ thực, văn học mạng Trung Quốc là một nền văn học bị ép “đi vào khuôn khổ”. Bạn đọc có thể để ý, cho dù có bao nhiêu tác phẩm văn học xuyên không về quá khứ đi chăng nữa, cũng không có ai dám viết về thời “Đại Cách mạng văn hóa” và “Đại Nhảy vọt”. Hơn nữa, các tác giả cũng bị ép đưa vào những yếu tố “yêu nước”, “một Trung Quốc” mà cái gọi là “đúng đắn chính trị” của Đảng Cộng sản TQ đưa ra. Các yếu tố nhạy cảm nếu xuất hiện sẽ bị xóa sổ ngay lập tức. Điển hình như truyện Ẩn Sát của Phẫn Nộ Đích Hương Tiêu. Trong truyện, không rõ tác giả vô tình hay cố ý đã trích dẫn cuộc đàn áp Pháp Luân Công như là một trong 10 dấu hiệu ứng với lời tiên tri của Nostradamus. Truyện này hiện nay đã bị cấm ở TQ. (PNDHT có truyện Chuế Tuế đã dx chuyển thể thành phim).


Các tác động từ những sản phẩm đồi trụy này tất nhiên không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý người TQ không, mà còn khiến tư duy thanh thiếu niên Việt Nam bị lệch lạc. Có lẽ bởi nét tương đồng văn hóa, nên người VN đặc biệt có nhiều yêu thích chung với họ. Rõ ràng, ảnh hưởng từ các sản phẩm nghe nhìn đến tâm lý con người, nhất là với giới trẻ vốn chưa thành thục quả là rất lớn. Người ta chẳng đã nghe mòn tai những chuyện giật gân về những kẻ sát nhân trẻ em, những ác quỷ ‘chim non’ vốn chỉ bắt chước hành động từ những câu chuyện trong trang sách đó sao. Chính sự thay đổi quan niệm nêu trên đã là bằng chứng cho sự biến dị tâm lý của giới trẻ, mà nếu không thể ngăn chặn thì đó chính là nguy cơ mang tính tồn vong trong tương lai không xa.

  Update vào lúc 08:47 14/08/2023

623 lượt xem

5 Lời bình

Đăng lời bình

Hãy đăng nhập để đăng lời bình

Bài viết mới nhất


Develop by ITE Group